Nghề BD Là Gì Tại Sàn Thương Mại Điện Tử
Với kinh nghiệm hơn 4 năm mình đã từng làm việc ở vị trí BD, đã từng là line manager của ngành hàng nhà sách online, mình sẽ chia sẻ đến bạn góc nhìn của nghề này như bên dưới nhé.
BD là gì? là viết tắt của cụm từ Business Development – Phát triển kinh doanh.
Ở sàn thương mại điện tử cụ thể là Shopee, vị trí BD này có thể gọi là KAM (Key Account Management).
Vậy vị trí này sẽ làm gì? cùng mình tìm hiểu tiếp nhé:
Ở đây, mình chia sẻ góc nhìn ở phạm vi sàn thương mại điện tử, có thể ở những mô hình công ty khác thì vị trí BD cũng có phần khác đôi chút.
Phần I. Công việc của một bạn BD:
BD- Nhân viên phát triển kinh doanh, nghe cái tên bạn cũng sẽ nôm na đoán được là các bạn BD sẽ chịu trách nhiệm cho sự phát triển về mặt kinh doanh.
Ví dụ, bạn vào ngành hàng nhà sách online, thì trách nhiệm công việc của bạn là làm sao để giúp các đối tác bán sách của bạn kinh doanh tốt nhất trên sàn và mang lại doanh số cho công ty.
Đối tác của BD là ai? Đó là những nhà bán hàng trên sàn của bạn.
Thường các đối tác ở Shopee sẽ được chia làm 2 nhóm:
Nhóm 1: C2C (Customer to Customer): những người mở shop kinh doanh là cá nhân.
Nhận biết ( shop C2C không có chữ mall góc trái)
Nhóm 2: Mall: Những công ty, những tổ chức kinh doanh và có yêu cầu về thương hiệu, giấy phép kinh doanh.
Nhận biết ( Shopee Mall có chữ mall ở góc trái)
Khi bạn làm ở team Mall hay team C2C đều sẽ có những quy định riêng của từng team, ví dụ shop Mall thì bạn chịu trách nhiệm hướng dẫn họ về quy trình lên Mall, các giấy tờ liên quan, một số quy định cho Mall và tương tự shop C2C thì cũng có những quy định riêng cho nhóm đó, là một bạn BD thì bạn sẽ phải nắm rõ những điều này để hướng dẫn cho đối tác của mình.
Những điểm chung trong công việc của một bạn BD có thể kể đến là, dù đối tác của bạn là C2C hay Mall thì một bạn BD cũng phải làm sao tạo được mối quan hệ tốt với đối tác của mình và hỗ trợ họ bán hàng, ví dụ giúp họ hiểu được những quy định, cách vận hành tốt nhất trên sàn, cập nhật đến họ những chương trình, thông tin mới nhất giúp cho việc kinh doanh của họ trở nên thuận lợi hơn.
Một bạn BD thì sẽ hỗ trợ các shop (các nhà bán hàng) ở những mặt nào:
1. Planning: BD cùng lên kế hoạch với shop của mình về mặt doanh số, chi phí. Ví dụ, Shop A mong muốn doanh thu mỗi tháng 100tr, thì kế hoạch mỗi ngày doanh số tối thiểu phải đạt được là bao nhiêu, kế hoạch nhập hàng ra sao? số lượng bán ra thế nào?có chương trình để thu hút người mua không? shop nên hiển thị ở đâu, làm sao để dễ tiếp cận với người mua? và thường xoay quanh ở 7P như sau:
Ví dụ một ngày sale 11.11, các bạn BD sẽ cùng lên kế hoạch với shop ở những yếu tố sau:
- Product: ngày 11.11 cần bán sản phẩm gì? đang có trend gì?, sản phẩm nào hot?, số lượng kho cần nhập cho ngày đó là bao nhiêu?
- Price: ngày 11.11 cần bán ra với giá bao nhiêu để thu hút khách hàng hơn? ví dụ có giảm thêm giá 5% cho thu hút thêm khách không?…
- Promotion: BD sẽ cùng shop bàn về những kế hoạch để tạo ra những chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng trong ngày sale 11.11, ví dụ như combo mua 3 tặng 1 với giới hạn 30 combo trong một ngày; combo mua 2 sản phẩm được mua sản phẩm bất kì trong shop giảm thêm 5% giới hạn 30 combo trong khung giờ 7-9h sáng…..Tùy cách mà một bạn BD và shop thảo luận với nhau và tính toán làm sau để đạt doanh thu như mong đợi.
- Place: Shop cần làm gì? hiển thị ở đâu để dễ dàng tiếp cận với khách hàng hơn trong ngày 11.11, ví dụ, bạn BD sẽ cùng shop lên kế hoạch về chi phí chạy quảng cáo cho shop, quảng cáo tìm kiếm từ khóa, quảng cáo sản phẩm…nhằm mục đích giúp shop tăng hiển thị, tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
- Process: vì là những ngày sale có traffic lớn, đơn hàng cũng sẽ nhiều hơn ngày thường, nên các bạn BD sẽ cùng shop thảo luận về quy trình đóng gói, vận chuyển như thế nào để đúng quy định của sàn và không vi phạm thời hạn giao nhận chẳng hạn, hoặc quy trình nhập thêm hàng để đảm bảo số lượng sale cho ngày hôm đó….v..v
- People: ví dụ ngày thường có thể chỉ cần 4 bạn nhân viên, nhưng với mục tiêu doanh thu cao hơn cho ngày sale đặc biệt thì BD sẽ cùng với shop thảo luận thêm về số người, có thể thêm người không, thêm cho khâu nào, yêu cầu các bạn đóng hàng nhanh hơn chẳng hạn….. đó cũng là yếu tố mà BD cần phải làm việc sát sao với shop để đạt doanh số như ban đầu đã đề ra.
- Physical Evidence: ví dụ các bạn BD sẽ tư vấn về việc thiết kế hình ảnh, banner cho sản phẩm trong shop làm sao thêm hấp dẫn bắt mắt, lúc giao nhận hàng thì có thêm thiệp cảm ơn dễ thương, kèm lời nhắn nhủ đánh giá 5 sao cho shop…..
2. Những quy định : BD sẽ phải thông báo và hướng dẫn các nhà bán hàng về cách đăng sản phẩm, quy định chat với người mua, quy trình đóng gói,…
3. Cung cấp các giải pháp bán hàng phù hợp: sẽ tùy vào đặc thù của từng shop mà các bạn BD sẽ tư vấn đến các shop những chương trình hợp lí để shop tham gia nhằm giúp họ bán hàng tốt hơn.
4. Giải đáp thắc mắc: Bên cạnh team CS là team chăm sóc khách hàng, khi có vấn đề thì các shop sẽ gọi cho CS, tuy nhiên, các nhà bán hàng mà thuộc trực tiếp BD đang hỗ trợ thì các bạn cũng sẽ giúp cho shop giải đáp những thắc mắc, khó khăn họ gặp phải một cách nhanh chóng hơn.
5. Đồng hành cùng shop: Mỗi bạn BD sẽ có một tệp nhà bán hàng(shop) để hỗ trợ, ví dụ mỗi bạn sẽ hỗ trợ 30 shop, nhiệm vụ của các bạn BD là đồng hành cùng sự phát triển của họ, giúp đỡ họ bán hàng tốt hơn, cùng họ vượt qua những thắc mắc và có những giải pháp, đề xuất hợp lý cho shop.
Ngoài ra, công việc hằng ngày của một bạn BD là:
Check xem đã đạt được KPI chưa ( KPI là target từ phía công ty dành cho các bạn BD), là BD bạn cần phải luôn theo dõi KPI của mình và phân tích xem mình đã đạt được chưa, tại sao đạt, tại sao chưa? điểm nào mình đang làm tốt, có thể tiếp tục phát huy được hay không, điểm nào mình đang làm chưa tốt, cần cải thiện ra sao, kế hoạch tiếp theo của mỗi tuần/ mỗi tháng là gì và báo cáo cho người quản lý của mình.
Nếu ở vị trí là team leader BD thì sao? bạn sẽ chịu target về mặt doanh số (định hướng, planning làm sao để đạt target…) và về mặt con người ( làm sao để phát triển các bạn BD member của bạn, giúp họ làm việc tốt hơn, phát triển nhiều kỹ năng hơn và đạt được mục tiêu doanh số chung của team), bên cạnh đó sẽ làm thêm những project mới, làm việc sát sao với quản lí ngành hàng để cùng hướng đến mục tiêu phát triển ngành hàng của mình.
Phần II. Để làm BD thì học ngành nào?
Các bạn tốt nghiệp khối ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, marketing, tài chính… hoặc có thể trái ngành, vì mình thấy nhiều bạn đồng nghiệp học trái ngành vẫn có thể học hỏi và làm việc tốt ở vị trí này.
Phần III. Cơ hội thăng tiến:
Khi bạn chưa có kinh nghiệm về thương mại điện tử hoặc kinh nghiệm liên quan thì vị trí đầu tiên có thể bắt đầu là thực tập sinh, sau đó một thời gian làm tốt sẽ lên vị trí associate (nhân viên kinh doanh) -> Senior Associate-> Team leader-> Assistant Manager -> Manager.
Phần IV. Mức lương:
BD bạn sẽ được lương cứng và lương thưởng thêm mỗi quý khi đạt KPI, tùy thời điểm hoặc tình hình kinh doanh mà công ty sẽ có những quy định về mức lương phù hợp.
Phần V. Các bạn BD thì cần có tốt chất gì:
– Một số tố chất cơ bản mà mình nghĩ bạn có thể dễ dàng rèn luyện được là hiểu biết về kinh doanh, khả năng giao tiếp tốt, chủ động tìm tòi, học hỏi, thái độ cầu tiến trong công việc và không ngại đương đầu với thử thách.
– Về mặt kỹ năng thì có thể kể đến là kĩ năng excel, khả năng phân tích, đọc số liệu, quản trị thời gian, làm việc nhóm, quản lý dự án, quản lý nhóm…và những kỹ năng này chúng ta có thể hoàn toàn học được qua quá trình làm việc thực tế.
Phần VI. Góc khuất nghề: mình nghĩ nghề nào cũng sẽ có những góc khuất chứ không chỉ riêng nghề BD.
Có thể kể đến đó là những khó khăn khi làm việc với những đối tác khó tính, hay những hiểu lầm nhỏ có thể gặp phải khi chưa hiểu nhau, đây là lúc một bạn BD cần phải vận dụng đến kỹ năng giải quyết vấn đề, hoặc bạn chưa biết cách giải quyết thì đó cũng sẽ là những tình huống để giúp bạn phát triển kỹ năng này.
Đôi lúc, sẽ có những áp lực về doanh số, deadline, KPI, những cạnh tranh quyền lợi giữa các bạn trong team chẳng hạn.
Nhưng nhìn chung, mình nghĩ, nghề nào cũng sẽ có những góc tỏa sáng riêng, những khó khăn riêng, dù làm bất cứ nghề nào, ngoài mặt kỹ năng thì chúng ta cũng nên giữ cho mình một thái độ tốt, có đạo đức nghề nghiệp và làm đúng định hướng của công ty thì khó khăn nào cũng chỉ là một tình huống để bạn trải nghiệm và có thêm bài học phát triển mình hơn.
Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn và giúp bạn có thêm góc nhìn về nghề BD nhé!
- 14 Tháng năm, 2023
- 1169
- WRITE A COMMENT
Bài viết mới
Bình luận gần đây
- ElicTran trong Tuổi thơ tự ti
- phuonglinh trong Đi làm hết lòng
- phuonglinh trong Đi làm hết lòng
- Thor trong Đi làm hết lòng
- Louie Lữ trong Đi làm hết lòng