“Loay hoay” chọn ngành tuổi 18
Chúng mình chắc ai cũng đã từng trải qua khoảng thời gian vừa học gần xong lớp 12 và ” loay hoay” chọn ngành chọn nghề học phải không?
Đầu tiên, mình chúc mừng cho các bạn không bị “loay hoay” chọn nghề, mà bạn đã có định hướng sẵn nghề nghiệp mình sẽ học và mạnh dạn ghi vào tờ giấy đăng ký nguyện vọng.
Kế đến là đối với những bạn chưa biết mình sẽ học và chọn nghề gì thì cũng đừng lo lắng, vì mình cũng đã từng như bạn, đã từng loay hoay chút xíu và cũng không hiểu ngành này ra làm sao, nghề này thế nào, học nghề này xong rồi làm có nhiều tiền không ta….vâng vâng và mây mây, mình thuộc tuýp người suy nghĩ nhiều và thời nay người ta gọi là “over thinking” đó các bạn, thật ra dù nghĩ nhiều thì nó cũng không khiến mình tốt hơn mà còn bị quanh quẩn trong mớ suy nghĩ ấy, thay vì cứ ngồi nghĩ ngợi, chúng mình hãy đứng dậy xắn tay áo lên và tìm hiểu thử nghề mình chọn nhen, mình có một số gợi ý sau để bạn tham khảo:
1. Dựa theo sở thích/ năng lực bản thân mình: đoạn này là bạn phải hiểu mình, điểm mạnh ở chỗ nào, điểm yếu ở đâu, bạn phải tự rà lại và quan sát, tự đặt câu hỏi cho bản thân xem bạn thích cái gì, thích môn gì ở trường học, bạn không thích môn gì, bạn giỏi môn nào? bạn bè và cô giáo nhận xét điểm mạnh của bạn là gì và bạn thường xuất xắc nhất khi bạn làm hoạt động gì? hoặc mọi người mỗi khi nhắc đến bạn thì từ khóa nào là miêu tả bạn…
Ví dụ: bạn học giỏi ngoại ngữ, bạn hoạt bát năng động, bạn có thể học marketing, truyền thông báo chí; bạn thích kinh doanh, ước mơ sau này mở doanh nghiệp thì có thể tham khảo ngành quản trị kinh doanh, hoặc kinh doanh quốc tế, thích chơi máy tính quá trời quá đất thì học công nghệ thông tin hay lập trình viên… hay có rất nhiều ngành khác mà bạn có thể xem ở bác Google nè. Trên đây mình chỉ ví dụ thôi nhen.
Hồi nhỏ mình thường lên hỏi bác Google theo kiểu: người hướng nội, thích viết lách, mê bán buôn…bla bla… thì phù hợp với ngành nghề nào, vậy là bác Google xổ ra một đống kết quả, rồi mình lần mò theo mấy kết quả đó để tìm hiểu tiếp xem ngành đó có gì, làm cái chi chi, trường nào có ngành học đó, tương lai nhu cầu xã hội có cần ngành đó không ….. và mình có hợp không nhỉ?
Tóm lại là bạn phải hiểu được mình muốn gì, mạnh yếu gì, thích cái gì…..thì mới đi đến bước là chọn ngành chọn nghề nhen.
” Ủa vậy cho hỏi, nếu mà hỗng biết mình thích cái gì, mạnh yếu gì hết thì mình phải làm sao ta? ”
Đừng quá lo lắng nè, sẽ có thêm những cách sau:
2. Dựa theo nhu cầu xã hội: ví dụ ngành hot, sắp tới ngành này hot nè, tương lai làm ngành này sẽ có nhiều tiền nè, các ngành nghề này sau này có thể sẽ bị Robot thay thế nè, vậy thì né, … và bạn có thể tham khảo quyển sách “tôi tương lai & thế giới” của cô Nguyễn Phi Vân- có đoạn viết về dự đoán tỉ lệ % những nghề có khả năng sẽ bị robot thay thế trong tương lai.
Nhưng mình nghĩ, việc chọn nghề lúc này bạn thấy nó hot, nhưng tương lai chưa chắc nó hot nữa, nghề này tại thời điểm bạn chọn thì nhu cầu xã hội đang cần nhiều, tương lai thì chưa chắc. Nên chỗ này bạn phải cân nhắc kĩ hén.
3. Dựa theo lời khuyên của Bố mẹ, người thân & người đi trước: Hãy hỏi, tâm sự với những người thân của mình hoặc những người đi trước trong ngành nào mà bạn có tò mò, hãy đặt thật nhiều câu hỏi để hiểu rõ tường tận và xin lời khuyên từ họ hén. Bên cạnh đó, hãy hỏi thử bố mẹ có lời khuyên hay ý kiến gì thêm về ngành mình định chọn không? hỏi để tham khảo và người ra quyết định cuối cùng vẫn nên là chính mình nhen.
4. Sách vở, podcast, youtube:
Bạn tham khảo podcast người trong muôn nghề, chị Chi Nguyễn trò chuyện hướng nghiệp về ngành giáo dục, Sách người trong muôn nghề, tìm hiểu về marketing đọc thêm về blog này, tham khảo thử về công việc data thì tìm hiểu thử bài công việc hằng ngày của data analyst, workshop chia sẻ về nghề data, tìm hiểu về ngành thiết kế đồ họa, hoặc bạn có thể nghe thêm về podcast của chị Chi Nguyễn về framework định hướng tương lai ….và còn rất nhiều tư liệu hay và hữu ích chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu là có nè.
5. Dựa theo IKIGAI:
Bạn có thể dựa theo phương pháp này để tự hướng nghiệp cho bản thân. Theo phương pháp IKIGAI của Nhật, khái niệm này người ta gợi ý về cách tìm được mục đích cuộc sống dựa trên sự cân bằng giữa 4 yếu tố. 1. Điều bạn yêu thích là gì ; 2. Điều bạn làm giỏi là gì ; 3. Điều xã hội cần; 4. Điều giúp bạn kiếm ra tiền.
Ví dụ bạn thích một ngành, nhưng không tạo ra tiền, vậy là mất đi yếu tố thứ 4 trong phương pháp IKIGAI, hoặc bạn chọn học một ngành vì mọi người nói nó rất hot và tương lai sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng trong lòng bạn cảm thấy không thích, hoặc mình không có điểm mạnh về ngành đó chẳng hạn.
Bạn có thể nghe thêm chia sẻ của Hiếu TV về IKIGAI này ở đây hén.
Dành cho các bạn suy nghĩ xa:
Còn nếu mà chọn sai nghề, mới vô học thôi mà đã thấy chán thì phải làm sao đây? yên tâm, bạn vẫn còn cơ hội mà, đó là có thể chọn học lại ngành khác thôi ( mà cơ hội này thì phải suy nghĩ cho kĩ nhen)
Còn nữa nha, nếu mà học xong tốt nghiệp luôn rồi mà đi làm mới phát hiện mình hỗng thích thì xử sao nữa đây ta?
Mình khuyên bạn lần nữa là đừng lo lắng, vì sẽ có cơ hội việc làm cho người trái ngành mà.
Kết:
Việc đưa ra lựa chọn cần phải cân nhắc rất nhiều, mình biết bạn cũng phải cân đo đong đếm nhiều lắm, nhưng hãy giữ sức khỏe cho tốt đầu óc tỉnh táo để đưa ra lựa chọn hợp lí nhất và tự tin rằng đây là lựa chọn của mình và chịu trách nhiệm về nó nhé ( để không đổ thừa bất kì ai nè). Cách tốt nhất để chọn được ngành mà bạn thật sự có ” cảm tình” với nó đó là hãy xắn tay áo lên tìm tòi, tìm hiểu, thậm chí là thử trải nghiệm với nó. Đừng quá lo lắng mà hãy mạnh dạng đưa ra lựa chọn của mình, vì lúc nào cũng sẽ có cảnh cửa mới mở ra sau mỗi lựa chọn của bạn nè.
Lời cuối, mình chúc các bạn nhanh chóng tìm được ngành mà bạn có ” cảm tình” và cũng phù hợp nhất nhé!
Cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog của mình- mình là Phương Linh!!!! nếu bài viết này hữu ích với bạn, hãy để lại bình luận cho mình biết và hãy chia sẻ cho bạn bè nhé!
- 31 Tháng Một, 2023
- 393
- WRITE A COMMENT
Bài viết mới
Bình luận gần đây
- ElicTran trong Tuổi thơ tự ti
- phuonglinh trong Đi làm hết lòng
- phuonglinh trong Đi làm hết lòng
- Thor trong Đi làm hết lòng
- Louie Lữ trong Đi làm hết lòng